Trang trí ngày Tết nét đẹp truyền thống và xu hướng

7

(QBĐT) – Đối với mỗi người con đất Việt, Tết là linh thiêng, là nơi để trở về đoàn tụ, sum vầy, tận hưởng không khí nồng ấm mùa xuân và thưởng thức hương nồng của mứt gừng, thơm lừng béo ngậy của bánh chưng… và cùng người thân yêu gửi gắm những ước vọng vào tương lai rực rỡ như sắc mai vàng, sắc đào hồng thắm. 

Những nét đẹp trong dịp Tết cổ truyền được cha ông ta đúc kết thành bức tranh đầy hương vị và sắc màu qua câu ca dao: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, để nói đến những nhu cầu vật chất và đời sống tinh thần bao đời nay gắn liền không thể tách rời, từ đó mà tạo nên bản sắc và các giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó, mỹ tục trang trí đón mừng năm mới là nhu cầu không thể thiếu, được lưu truyền và trở thành xu hướng phát triển phong phú trong đời sống hôm nay.

Trải qua chiều dài lịch sử của dân tộc, ở mỗi thời đại đều tạo nên những giá trị thẩm mỹ để đáp ứng đời sống tinh thần và khát vọng sống của người dân. Người dân thường sửa sang, trang trí nhà cửa, không gian cộng đồng, y phục, lựa chọn những sản vật để dâng lên tổ tiên, trời đất, ghi nhớ công ơn nguồn cội và cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa. Nhiều truyền thuyết được truyền tụng thể hiện đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú ở thời đại các vua Hùng như triết lý về “Trời tròn, đất vuông” thông qua tích truyện bánh chưng, bánh dày…trong ngày Tết.

Nền văn hóa đồ đồng rực rỡ của cha ông đã để lại di sản cho đời sau giá trị về yếu tố tạo hình và trang trí đặc sắc trên trống đồng, trở thành di sản văn hóa, mỹ thuật quý báu vẫn được lưu truyền và sử dụng trong đời sống đến ngày hôm nay. Qua các triều đại phong kiến, biểu tượng cao nhất cho khát vọng thịnh vượng được biểu thị qua hình tượng con rồng, phượng để tiếp nối mạch nguồn về nguồn cội “Con Lạc, cháu Hồng”. Các biểu thức trang trí có chủ đề về Tiên Rồng được phát triển đa dạng trong mọi mặt đời sống, đặc biệt là trong những dịp lễ hội và đón năm mới…

Quảng trường Hồ Chí Minh mùa xuân. (Ảnh: Nguyễn Hải)
Quảng trường Hồ Chí Minh mùa xuân. (Ảnh: Nguyễn Hải)

Những người dân lao động cũng đã tạo nên những giá trị văn hóa, thẩm mỹ độc đáo thông qua các hình thức trang trí mỗi dịp Tết đến, xuân về. Họ sáng tạo nên tranh dân gian và phát triển riêng một dòng tranh gọi là “Tranh Tết” để trang trí đón năm mới. Trên bức tường đất của căn nhà lá đơn sơ “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Các bức tranh như “Vinh hoa-Phú quý” để đáp ứng khát vọng về sự đỗ đạt, giàu sang thông qua hình tượng bé trai ôm gà, bé gái ôm vịt; hay tranh “Đại cát” thể hiện lời chúc tụng năm mới mang nhiều may mắn, tài lộc…Tranh Hàng Trống lại nổi tiếng với các bức tranh như “Tam Đa” (Phúc-Lộc-Thọ), “Thất đồng” (7 đứa bé)… thể hiện những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều hình thức mỹ thuật dân gian khác cũng phát triển đáp ứng nhu cầu làm đẹp không gian, vui chơi, giải trí người dân trong dịp xuân, như: Tò he, làm con giống, đèn lồng, hoa giấy… ở trên mọi miền Tổ quốc.

Cùng có sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như các nước Á đông, người Việt luôn coi trọng lễ nghi, đề cao học hành, khát vọng đỗ đạt thành tài luôn thường trực trong mỗi gia đình. Vì vậy, việc trang trí đón Tết của người Việt trước đây và có xu thế trở lại hôm nay thường kết hợp giữa các thành phần trang trí như linh vật, hoa, biểu tượng tài khí… cùng với câu đối thể hiện truyền thống của dòng tộc, gia đình để nhắc nhở, truyền dạy con cháu, cũng như thể hiện khát vọng phát triển trong tương lai…

Bên cạnh những yếu tố trang trí đón năm mới mang nhiều nét văn hóa, phần không thể thiếu đó là hoa và quả. Có nhiều loài hoa để có thể lựa chọn cho trang trí đón xuân, nhưng mai và đào là gần như không thể thiếu. Có lẽ đặc điểm về màu sắc rực rỡ như ánh nắng của mai vàng, tươi hồng ấm áp của đào và nở rất đúng dịp mùa xuân mà từ lâu người ta lựa chọn để trưng bày trong dịp Tết. Mai vàng biểu thị cho sự may mắn, đào tươi thể hiện cho tín ngưỡng dân gian trừ tà gắn với hai vị thần Trà và Uất Lũy. Quả thường được lựa chọn theo ngũ hành thông qua màu sắc, hoặc ghép chữ tên gọi của các loại quả tạo thành điều ước muốn, thường được gọi là mâm “ngũ quả”.

Trong căn nhà ba gian truyền thống xưa còn thơm lớp vôi mới sáng bừng lên là gian thờ ở chính giữa, bởi sắc màu rực rỡ của đào, mai, mâm ngũ quả và đỏ rực của câu đối, xanh thắm của bánh chưng… nghi ngút nồng ấm hương trầm trong ba ngày Tết; là nơi quy tụ tình cảm gia đình và cũng để “khoe” với khách xuân sự sung túc sau một năm làm việc vất vả. Khi đời sống ngày càng phát triển, không gian kiến trúc có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại và tiện ích, nhưng gian thờ vẫn luôn chiếm vị trí trang trọng nhất, được sắp đặt bày trí mang nhiều yếu tố thẩm mỹ truyền thống. Đặc biệt là hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển, không chỉ các không gian chính được chú trọng mà xuất hiện thêm những vị trí được trang trí đẹp mắt để đón xuân ở các gia đình tại phòng khách, sảnh, vườn chơi… để đón xuân tạo nên nhiều không gian sinh động hấp dẫn.

Từ truyền thống trang trí trong các gia đình để đón xuân xưa mà nay đã lan truyền đến các không gian công cộng. Ngày nay, chúng ta có thể thấy ở hầu hết các cơ quan nhà nước, tổ chức, công ty tư nhân, cửa hàng, quán xá… đều chú ý trang trí đón năm mới. Những cây đào, mai, quất lớn, đẹp và có giá trị kinh tế cao được chọn lựa kỹ càng, đặt ở vị trí trang trọng thường là hội trường, tiền sảnh tạo nên điểm tập trung thu hút của nhiều người tạo nên sự gắn kết cộng đồng cao. Trên đường phố và tại các không gian công cộng, chính quyền các cấp ở trên mọi miền Tổ quốc chú trọng nhằm tạo cảnh quan phục vụ người dân du xuân. Nhiều năm trở lại đây phong trào tạo hình con giáp và vườn hoa xuân công cộng được đầu tư với kinh phí lớn, trở thành những điểm thu hút đông đảo người dân đến vui chơi “check-in”.

Tại Quảng Bình nhiều không gian tràn đầy sắc xuân như: Quảng trường Hồ Chí Minh, quảng trường Bảo Ninh, các điểm công cộng ở TP. Đồng Hới và nhiều nơi khác ở các huyện, thị xã góp phần tạo nên những không gian thẩm mỹ khi mùa xuân về, thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui xuân, thưởng lãm. Đó cũng thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến đời sống tinh thần của người dân, báo hiệu sự khởi sắc trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trang trí, làm đẹp để đón xuân là nhu cầu tinh thần không thể thiếu, đã có truyền thống từ lâu đời và ngày càng được phát triển mạnh mẽ phù hợp với điều kiện cuộc sống, văn hóa từng địa phương và thị hiếu thẩm mỹ đương đại, góp phần kiến tạo không gian sống, là nét đẹp văn hóa cần được phát huy trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nguyên Sa

 

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Trang trí ngày Tết nét đẹp truyền thống và xu hướng
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/trang-tri-ngay-tet-net-dep-truyen-thong-va-xu-huong-2223643/

Bình luận cho bài viết: