Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực và hành trình trở về đặc biệt

15

(QBĐT) – Trong không khí trang nghiêm, kính cẩn, những làn khói hương nhẹ nhàng lan tỏa như sự chứng kiến của các bậc tiền nhân đối với lòng thành của hậu thế, có một cuốn sách đã vượt chặng đường dài từ Đài Loan xa xôi, đến Thủ đô Hà Nội, ghé qua cố đô Huế và giờ hiện diện ở nhà thờ họ Nguyễn Thế ở thôn Lộc An, xã An Thủy (Lệ Thủy). Hơn 230 năm sau chuyến đi sứ sang Trung Quốc (năm 1793) của Đốc học Quốc Tử Giám Nguyễn Thế Trực (1745-1807)-vị đại thần trải qua ba triều đại (Chúa Nguyễn-Tây Sơn-Nguyễn), cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc được xuất bản ở Đài Loan và nay được chuyển tới hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế như một sự tri ân của giáo sư (GS.) đặc biệt Trần Ích Nguyên-một người từ lâu rất yêu mến Việt Nam và dành nhiều tình cảm cho danh nhân Nguyễn Thế Trực.
 
Câu chuyện tìm lại tác giả cho tác phẩm Sứ trình thi tập là cả một quá trình dài đầy nỗ lực của GS. Trần Ích Nguyên (Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan) và cộng sự, cùng mối cơ duyên với nghiên cứu sinh Trần Thị Xuân (tại Đại học Hamburg, Đức), tiến sĩ (TS.) Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế). Tháng 7/2023, GS. Trần Ích Nguyên cùng cộng sự đã đến Lệ Thủy, thăm mộ danh nhân Nguyễn Thế Trực và trao bản sao Sứ trình thi tập cho trưởng họ Nguyễn Thế-TS. Nguyễn Thế Hoàn.
Trao tặng sách và bản thảo phiên dịch, chú giải Sứ trình thi tập cho trưởng họ Nguyễn Thế tại xã An Thủy, Lệ Thủy.
Trao tặng sách và bản thảo phiên dịch, chú giải Sứ trình thi tập cho trưởng họ Nguyễn Thế tại xã An Thủy (Lệ Thủy).
Tiếp tục nhân duyên của mình với Việt Nam, ngày 15/7 vừa qua, cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc do GS. Trần Ích Nguyên chủ biên đã được Lạc Học thư cục ấn hành tại Đài Loan. Ngay sau đó, ông thực hiện một hành trình dài đưa những cuốn sách còn nguyên mùi mực in đến Hà Nội với mong muốn kính dâng cuốn sách cho hương hồn tổ tiên dòng họ Nguyễn Thế và danh nhân Nguyễn Thế Trực trong ngày giỗ họ (15/6 âm lịch). Vì lý do đảm nhiệm một vai trò quan trọng tại Đài Bắc đúng dịp này, không thể về Lệ Thủy, giáo sư gửi gắm cho các cộng sự là TS. Phan Thị Thu Hiền, TS. Lê Phương Duy (Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh hoàn thành tâm nguyện của mình.
 
Từ Đài Loan, GS. Trần Ích Nguyên chia sẻ: “Năm 1985, tôi đã bắt đầu nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, từng chủ biên bộ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành, sau này lại mở rộng đến các thể loại thư tịch Hán văn Việt Nam, bao gồm cả tư liệu đi sứ của sứ thần Việt Nam. Trước đây, tôi đã nghiên cứu sâu về tác phẩm của Lý Văn Phức (1785-1849), Phan Thanh Giản (1796-1867); đồng thời, tiến hành điều tra điền dã tại thực địa về tình hình lập bia khắc thơ của các sứ thần Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc.
 
Ngoài ra, trên phương diện về tác giả, văn bản, nội dung, giá trị của các trước tác bang giao Việt Nam, tôi cũng thường xuyên công bố các bài nghiên cứu quan trọng. Năm ngoái, về vấn đề tác giả của văn bản Sứ trình thi tập được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là Nguyễn Thế Trực (mà không phải là Phan Thanh Giản), kết quả nghiên cứu của tôi đã giải quyết một nghi án học thuật, được giới nghiên cứu Hán học Việt Nam rất quan tâm.
 
Cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc bằng Trung văn lần này là dựa trên lời hẹn của tôi với trưởng họ Nguyễn Thế Hoàn từ một năm về trước. Vào ngày 26/7/2023, vì nhân duyên với thơ mà tôi đã nhận được sự tiếp đãi chân thành của dòng họ Nguyễn Thế ở làng Lộc An. Rất thuận lợi vì vào ngày giỗ họ của gia tộc Nguyễn Thế năm nay (ngày 20/7, tức ngày 15/6 âm lịch), cuốn sách này được mang tới trước các thành viên gia tộc để họ có thể cảm nhận được sự quan tâm, chú ý của quốc tế đối với tác phẩm của Nguyễn Thế Trực. Việc này rất có ý nghĩa.
Cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc.
Cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc.
Thế nhưng, chất lượng sao chép của bản viết tay Sứ trình thi tập của danh nhân Nguyễn Thế Trực không cao. Trong toàn bộ văn bản tập thơ hiện còn đã xuất hiện rất nhiều lỗi chép sai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc giải thích chính xác tác phẩm thơ của Nguyễn Thế Trực. Lại thêm Sứ trình thi tập là tác phẩm chữ Hán, nếu như không có bản dịch tiếng Việt chuẩn xác thì các thành viên trong gia tộc Nguyễn Thế sẽ không thể hiểu được phẩm giá, tư tưởng của tổ tiên mình. Bởi thế, tôi đã mời TS. Phan Thị Thu Hiền, TS. Lê Phương Duy cùng hợp tác phiên dịch và chú giải sang tiếng Việt. Hy vọng sau khi thông qua sự thẩm định của chuyên gia văn học GS. Trần Thị Băng Thanh, vào năm 2025, bản dịch tiếng Việt sẽ xuất bản tại Hà Nội, để gia tộc Nguyễn Thế có thể chung hưởng vinh quang của tổ tiên và để nhiều độc giả Việt Nam có thể hiểu hơn về di sản văn hóa quan trọng của vị danh nhân Quảng Bình này… ”.
 
Giữ đúng lời hẹn, trong ngày giỗ tổ, cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc và bản thảo phiên dịch, chú giải toàn bộ Sứ trình thi tập gồm 150 bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt đã được kính cẩn dâng lên các bậc tổ tiên dòng họ Nguyễn Thế trong không khí trang nghiêm, xúc động. TS. Nguyễn Thế Hoàn cho biết: “Nguyễn Thế Trực (còn gọi Nguyễn Viết Trực) là ông tổ đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Thế, làng Lộc An, xã An Thủy. Là con cháu hậu duệ, chúng tôi vô cùng tự hào về phẩm chất cũng như sự đóng góp của ông cho quê hương, đất nước… Chúng tôi rất xúc động, cảm kích và biết ơn giáo sư đã dày công nghiên cứu, biện giải để thế hệ con cháu có thể biết đến một tác phẩm văn học của chính tổ tiên mình mà trước đây thậm chí chưa từng nghe tên. Để từ đó, chúng tôi hiểu hơn một tấm lòng hiếu đạo với gia tộc, một nỗi niềm canh cánh với quê hương và nhất là tự hào về sự đóng góp của dòng họ Nguyễn Thế trong hoạt động ngoại giao, giao lưu văn học Việt Nam-Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các tư liệu dưới thời Tây Sơn còn lưu giữ không nhiều…”.
Trưởng họ Nguyễn Thế-TS. Nguyễn Thế Hoàn cùng các cộng sự của GS. Trần Ích Nguyên.
Trưởng họ Nguyễn Thế-TS. Nguyễn Thế Hoàn cùng các cộng sự của GS. Trần Ích Nguyên.
Cuốn sách có tổng dung lượng 280 trang, bao gồm 2 bài tựa của GS. Trần Ích Nguyên với vai trò chủ biên và TS. Nguyễn Thế Hoàn-trưởng họ Nguyễn Thế ở Quảng Bình. Phần nội dung chính của sách được chia làm hai bộ phận: Thượng biên và Hạ biên. Thượng biên có phần một công bố kết quả khảo cứu của GS. Trần Ích Nguyên chứng minh tác giả của Sứ trình thi tập là Nguyễn Thế Trực, phần hai là phần hiệu chú Sứ trình thi tập (gồm 150 bài thơ chữ Hán). Hạ biên có phần một là Chiếu lệnh, công văn của triều đình và phần hai là nguyên bản Nguyễn Thế tộc phả, đều do trưởng họ Nguyễn Thế Hoàn cung cấp. Phụ lục là ảnh ấn văn bản chép tay Sứ trình thi tập, ký hiệu A.1123, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, cuốn sách còn có 14 phụ bản ảnh in màu.
 
Có mặt tại buổi trao sách, TS. Lê Phương Duy chia sẻ: “Tôi xúc động về bậc tiền nhân của dân tộc và về tình cảm của GS. Trần Ích Nguyên với Quảng Bình, với danh nhân Nguyễn Thế Trực và rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ giáo sư giao phó, đưa cuốn sách cùng bản thảo dịch chú trao tận tay cho hậu duệ dòng họ Nguyễn Thế”.
 
GS. Trần Ích Nguyên là người rất tâm huyết với Việt Nam nói chung, văn chương đi sứ nói riêng, trong đó có danh nhân Nguyễn Thế Trực. Ông dành thời gian gần 40 năm nghiên cứu về Việt Nam và thực hiện gần 100 chuyến làm việc tại dải đất hình chữ S. Đặc biệt, giáo sư có khoảng 10 cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc chính là minh chứng rõ nét cho tình cảm sâu đậm này của giáo sư và góp phần giới thiệu sự tài hoa của danh nhân đất Quảng Bình đến với bạn bè quốc tế.
GS. Trần Ích Nguyên chia sẻ: “Khi tôi đến gia tộc Nguyễn Thế vào ngày 26/7/2023, tôi đã cảm nhận sâu sắc sự trọng thị của các thành viên trong gia tộc Nguyễn Thế. Các con cháu đời thứ 14, 15 của gia tộc Nguyễn Thế không quản ngại nắng nôi đã dẫn tôi đến trước vườn mộ hợp táng của tổ tiên các đời và phần mộ của cụ tổ Nguyễn Thế Trương (đời thứ 6), cụ tổ Nguyễn Thế Trực (đời thứ 8) và chính thất của cụ. Tuy mồ hôi ướt đẫm, nhưng tôi thấy trong lòng mỗi người đều mang tình cảm thành kính sâu sắc đối với tổ tiên. Đặc biệt, trưởng họ Nguyễn Thế Hoàn đã quỳ trước mộ đọc to bài Tổ húy hữu cảm (cảm xúc nhân ngày giỗ tổ, bài số 74 trong tập thơ) bằng một giọng đầy cảm xúc, khiến cho mỗi người chúng tôi như xuyên qua thời gian, không gian của lịch sử, chính mắt trông thấy một Nguyễn Thế Trực trung hiếu đang quỳ trước mộ ông nội giãi bày tấm lòng của mình, quả thực rất xúc động”.

Mai Nhân

 

 

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực và hành trình trở về đặc biệt
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202408/su-trinh-thi-tap-cua-nguyen-the-truc-va-hanh-trinh-tro-ve-dac-biet-2219987/

Bình luận cho bài viết: