Như mạch nguồn chảy mãi

8

(QBĐT) – Âm thầm, lặng lẽ, suốt bao tháng ngày qua, bước chân của những người làm báo chuyên về mảng văn hóa trên địa bàn tỉnh đã miệt mài đến từng bản làng xa xôi, nơi các “kho báu” di sản của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang đứng trước nguy cơ mai một. Và chính họ cũng tìm đến từng nghệ nhân, từng khu dân cư văn hóa, từng làng nghề… để viết tiếp các câu chuyện về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trên hành trình đó, họ không hề đơn độc với niềm đam mê, đau đáu vì văn hóa dân tộc, mà còn có sự đồng hành từ chính cộng đồng nuôi dưỡng di sản.
 
Vì đam mê tiếp tục dấn thân
 
Nhà báo Bùi Thị Thanh Huyền (nguyên biên tập viên Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) không còn nhớ rõ mình đã đặt chân đến bao nhiêu bản làng, thôn xóm để sản xuất các chương trình truyền hình về văn hóa. Vào nghề từ năm 1999 như một cơ duyên, cô chiến sĩ bé nhỏ không ngờ đến một ngày mình sẽ ra quân và trở thành một phóng viên thực thụ. Mới đó mà đã gần 28 năm lăn lộn với nghề, từ tác phẩm đầu tay thử việc: Giới thiệu ca khúc “Nhớ Nhật Lệ”, đến nay “kho báu” của chị không thể đếm hết với nhiều chương trình văn hóa-văn nghệ đặc sắc, tạo dấu ấn, đột phá trên Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, như các chuyên mục, chương trình: “Nhịp cầu âm nhạc”, “Giai điệu quê hương”, “Tác giả-Tác phẩm”… cùng các bộ phim tài liệu đặc sắc. 
Phóng viên Nguyễn Thị Lệ Minh trong một lần đi tác nghiệp.
Phóng viên Nguyễn Thị Lệ Minh trong một lần đi tác nghiệp.
Trong suốt hành trình làm báo, điều chị hạnh phúc nhất chính là đã cùng đồng nghiệp góp sức mình vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Bình. Bước chân chị miệt mài đi đến nhiều ngôi làng ven sông Gianh, sông Kiến Giang, vùng biển Bố Trạch, Lệ Thủy…, lặn lội đến với các bản làng của người Chứt, Bru-Vân Kiều ở Minh Hóa, Bố Trạch… Từ đó, gặp gỡ các nghệ nhân, tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu những nét độc đáo của ca trù, hò thuốc, hò làng biển, dân ca của ĐBDTTS… Từ đó, không ít di sản được quan tâm nhiều hơn và tiếp nối hành trình phục dựng, bảo tồn.
 
Năm 2010, nhìn thấy nguy cơ thất truyền của không ít di sản trên địa bàn tỉnh, chị quyết định thành lập công ty riêng, đứng ra kết nối, kêu gọi nguồn xã hội hóa để tham gia vào quá trình gìn giữ, phát huy di sản. Chị chú trọng hoạt động tập huấn về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, kiến thức bản địa, thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống… Hành trình đó với chị không hề đơn độc bởi có sự yêu thương chân thành của bà con.
 
Chị nhớ có lần khi đi làm về nhà, thấy rất nhiều xe máy dựng ở sân. Thì ra, các bà, các mệ trong câu lạc bộ ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) rủ nhau vào thăm “o Huyền”. Bà con mang theo nhiều hải sản cùng nấu nướng, bày biện và liên hoan với gia đình chị. “Chị về Nhân Trạch như về nhà của mình vậy…!”, chị Thanh Huyền xúc động tâm sự. Nghề báo đã mang lại cho chị niềm hạnh phúc lớn lao, không gì có thể so sánh được. Cùng với đó là kho tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng… để chị luôn vững tin trên con đường mình đã chọn.
 
Còn với phóng viên Nguyễn Thị Lệ Minh (Bản tin Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), hành trình viết về văn hóa là sự trưởng thành theo thời gian. Vào nghề hơn 10 năm, Lệ Minh đã đến với nhiều thôn bản trên địa bàn tỉnh, nhất là đến với ĐBDTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Vất vả với cô phóng viên trẻ là không thể kể hết, nhưng “có đam mê, yêu thích là không có chướng ngại”, Lệ Minh hào hứng chia sẻ. Chứng kiến sự đổi thay trong nhận thức và đời sống của đồng bào theo thời gian, Lệ Minh luôn nỗ lực đưa từng sự vận động đó vào những trang viết của mình để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống của đồng bào, cùng đồng cảm, cùng sẻ chia. Từ đó, những câu chuyện về xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, mô hình văn hóa mới… được giới thiệu chân thực, sống động và hiệu quả.
 
Điều đọng lại sau mỗi chuyến đi với Lệ Minh chính là tình yêu thương, sự quan tâm của bà con dành cho người cầm bút. Từng củ khoai, củ sắn hay đôi khi chỉ là bó rau rừng hái vội được bà con gửi gắm mang về xuôi chính là minh chứng cho sự gắn kết chân thành giữa người cầm bút và người dân. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi, Lệ Minh càng háo hức, mong chờ chuyến đi tiếp theo, để về với bà con, chuyển tải tiếp tục những câu chuyện văn hóa ý nghĩa.
 
Và còn nhiều, nhiều nữa những phóng viên chuyên về mảng văn hóa đang miệt mài trên hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với kỳ vọng sẽ không có di sản nào bị lãng quên, không một nghệ nhân, mô hình nào không được nhớ đến.
 
Còn đó những trăn trở
Tác giả và CLB Tuồng bội Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch).
Tác giả và CLB Tuồng bội Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch).
Viết về văn hóa không hề dễ dàng, bởi nếu chỉ có đam mê thôi là chưa đủ, đòi hỏi người cầm bút phải có phông nền văn hóa, kiến thức, kỹ năng và sự nhạy cảm làm nghề. Trong hành trình chinh phục con chữ, còn đó trong họ nhiều băn khoăn, trăn trở. Chị Bùi Thị Thanh Huyền chia sẻ, day dứt lớn nhất trong chị là vẫn chưa thực hiện được các tác phẩm về bảo tồn làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong khi nguy cơ mai một, thất truyền ngày càng hiện hữu. Chị ấp ủ một kế hoạch dài hơi để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề Quảng Bình, vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống quê hương, vừa thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Dù còn nhiều trăn trở, nhưng những người cầm bút vẫn tiếp tục dấn thân trên hành trình của mình với kỳ vọng các nỗ lực sẽ được đền đáp bằng chính sự khởi sắc trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Và phía trước, vẫn còn đợi chờ các bước chân như mạch nguồn âm ỉ chảy mãi…

Còn theo Lệ Minh, kinh phí hỗ trợ bà con duy trì các mô hình bảo tồn di sản văn hóa dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn hạn chế, khó khăn cho công tác này. Đặc biệt, trước thực trạng không ít người trẻ, nhất là ở vùng ĐBDTTS-miền núi ngày càng ít quan tâm, thờ ơ với di sản cha ông, sẽ vẫn còn rất nhiều việc phải làm đối với người cầm bút trên hành trình của mình.

 
Bản thân tác giả cũng là một người có nhiều cơ duyên với văn hóa, có nhiều cơ hội tiếp cận kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của tỉnh nhà, được gặp gỡ nhiều nghệ nhân dân gian, những người dành trọn cả cuộc đời cho nghệ thuật hay các nguồn tư liệu, tài liệu vật báu quý giá. Để rồi sau mỗi chuyến đi, bên cạnh sự háo hức, tươi mới cho các đề tài văn hóa văn nghệ dân gian là những nỗi trăn trở, day dứt trước không ít câu hỏi chưa có lời giải của các nghệ nhân hay chính từ thực tế khó khăn của việc bảo tồn, phát huy giá trị các “kho báu” dân gian. Đó là sự đau đáu khi còn không ít nghệ nhân, di sản chưa được biết đến nhiều, còn đó nhiều sắc phong, tư liệu quý trong dân gian chưa được bảo quản đúng cách, khoa học hay sự mai một, biến mất của di sản nếu không có sự quan tâm phù hợp…
Mai Nhân

 

 

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Như mạch nguồn chảy mãi
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202506/nhu-mach-nguon-chay-mai-2227058/

Bình luận cho bài viết: