Nguyễn Hàm Ninh – Một đời người, một đời thơ

7224

Nguyễn Hàm Ninh sinh ngày 30 tháng 12 năm 1808 (tức ngày 14 tháng 11 năm Mậu Thìn) tại làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đăng Khoa một người đã từng đỗ Tú tài Trường Hà Nội, di cư vào làng Phù Hoá (sau đó dời về làng Trung Thuần).

Nguyễn Hàm Ninh tự là Thuận Chi, hiệu là Tỉnh Trai, ông có sáu anh em, bốn trai hai gái. Ông là con thứ hai và là con trai trường trong gia đình. Cả nhà ông làm nghề nông, nghèo nhưng rất hiếu học.

Nguyễn Hàm Ninh - Một đời người, một đời thơ Mộ phần của Tỉnh Trai Nguyễn Hàm Ninh

Ba em trai ông là Nguyễn Hàm Trực, Nguyễn Hàm Trạch, Nguyễn Hàm Tân đều học giỏi. Nguyễn Hàm Trực thi đậu Cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Nguyễn Hàm Trực thi đậu Tú tài năm Thiệu Trị thứ 5 (1846).

Năm Kỷ Sửu, Minh Mạng thứ 10 (1829) Nguyễn Hàm Ninh thi đỗ Tú tài. Khoa Tân Mão, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ông đỗ giải nguyên thi Hương tại trường thi Thừa Thiên. Ông làm ờ Quốc tử giám và năm sau được triều đình bổ làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang cũ). Năm 1832 ông vào Kinh đô Huế thi Hội. Trên đường đi, ông gặp Cao Bá Quát đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội cùng năm từ Bắc Hà vào. Hai ông làm thơ, xướng họa cho quên chặng đường dài. Khi vào đến Huế họ trờ thành đôi bạn tri kỉ cả văn chương lẫn cuộc đời. Hai ông cùng đỗ một khoa thi và đều làm quan tại Huế. Thơ văn của hai ông đều được Tùng Thiện Vương (con thứ mười của Minh Mạng, em vua Thiệu Trị) tri ngộ và yêu mến (Cao Bá Quát là anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là Gia Lâm – Hà Nội. Cao Bá Đạt đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ, năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Ồng làm tri huyện Nông cống. Khi Cao Bá Quát làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình nhà Nguyễn, ông cũng bị bắt cùng Cao Bá Quát và đã đâm cổ tự tử năm Giáp Dần -1854).

Cuộc đời Nguyễn Hàm Ninh cũng lắm thăng trầm. Năm Quý Tỵ (1833) cha mất, Nguyễn Hàm Ninh về quê chịu tang cha ở quê nhà. Năm Bính Thân (1836) ông lại được triều đình mời ra làm Quốc học độc thư dạy cho Thái tử con vua Minh Mạng (vua Thiệu Trị sau này). Sách “Đời tài hoa” của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề kể đại ý như sau: Năm Mậu Tuất (1838) Nguyễn Hàm Ninh vào điện Thái Hoà, ông thấy đôi câu đối: “Tử năng thừa nghiệp. Thần khả bảo quân ân”, Ồng lấy bút ghi ngay bên cạnh: “Hảo hề, Hảo hề, Cương thường điên đảo”. (Hay tuyệt! Hay tuyệt! Cương thường đảo lộn). Biết chuyện, vua Minh Mạng tức lắm, triệu ông vào hỏi: “Vì sao cương thường đảo lộn”. Ông điềm tỉnh trả lời:

– Muôn tâu! Tử đặt trước phụ, Thần đặt trước quân khác nào bức tranh của tể tướng nhà Nguyễn thêu con chim sẻ đỗ trên cành trúc. Tiểu nhân không thể ngồi trên đầu quân tử.

Nhớ lại chuyện xưa thời Mạc Đỉnh Chi đi sứ bên Tàu, vua dịu măt hẳn, bảo  “Khanh hãy chữa lại đi”. Nguyễn Hàm Ninh chữa lại như sau: “Quân ân thần khả báo. Phụ nghiệp tử năng thừa ” (Vua có ân thì tôi mới báo đáp. Cha phải có nghiệp thì con mới kế nghiệp được). Vua khen hay và ban thưởng.

Trong thời gian ông dạy cho Thái tử thì Cao Bá Quát cũng làm Điền khí trường Thừa tại Huế. Trọng người tài, Cao Bá Quát cùng một người làm giám khảo kỳ thi đó hơ bút vào ngọn đèn lấy muội đèn chữa một chữ trong một bài làm đạt điểm rất cao nhưng không may “phạm huý”. Sự việc bại lộ, Cao Bá Quát bị lưu đày vào xứ Quảng Nam. Nguyễn Hàm Ninh ngậm ngùi tiễn biệt bạn. Họ lưu luyến chia tay và để lại cho đời những vần thơ bất hủ:

Phen này về được cũng lâu năm

Phai nhạt văn chương mái tóc râm

Đành dõi gót triều thần bị đuổi

Khéo đem đầu lỉnh lão hay ngâm

Gió mây rào rạc đêm Hương Thuỷ

Mây khói mịt mù trấn Quảng Nam

Lần ấy ngày nào xin nhớ lấy

Nằm nghe thuyền cập mảnh trăng rằm.

Số phận Nguyễn Hàm Ninh cũng không hơn gì Cao Bá Quát. Đang dạy cho Thái tử, ông bị bọn nịnh thần gièm pha phải bị đuổi về. Mãi đến năm Tân Sửu (1841) ông mới được mời ra làm quan, giữ chức Hành tẩu ờ Nội Các. Về sau ông làm Trung lang bộ Lại rồi bộ Lễ, thăng Án sát tỉnh Khánh Hoà. Trong thời gian làm Án sát ở tỉnh Khánh Hoà do sơ suất ông bị thuyền buôn nước ngoài bắt, chở sang Trung Quốc. Lúc trở về ông bị cách chức, lưu đày vào Đà Nẵng. Được một tháng, nhớ đến tình thầy trò buổi trước, vua Thiệu Trị hạ chiếu ân xá và đặc cách cho về Huế làm Trai đàn hiệu lực tại chùa Thiên Mụ. Khi chia tay tại nhà lao Đà Nằng, Cao Bá Quát lại có bài thơ tiễn biệt:

Lênh đênh bèo bọt phận đôi ta

Sụt sùi vì ai lúc bước ra

Bóng kỉnh bạn bè rời hạc nội

Ngần này sao nỡ dứt non xa

Tanh rỉnh mùi máu hàng thơ hận

Say ngất hờn hoa chén rượu đưa

Rồi nữa mỗi người thành một ngã

Mịt mù mưa gió biết đâu ta.

Làm xong lễ tế đàn Nam giao ông được bổ nhiệm Chủ sự Phủ Tôn Nhân. Ồng được phục chức cũ, được cử làm trước tác ở Viện Hàn Lâm cho đến ngày từ quan lần cuối.

Trong sách Đời tài hoa của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cũng như sách Kể chuyện các vua quan đời Nguyễn của Phạm Khắc Hoè đều kể lại chuyện vua Tự Đức cắn phải lưỡi trong một đại tiệc liền nói: “Trẫm không may cắn phải lưỡi đau quá, nhưng đó là đầu đề hay để làm thơ, các khanh ai làm nhanh nhất và hay nhất sẽ được trọng thường”. Nguyễn Hàm Ninh liền ứng khẩu đọc ngay một bài thơ tứ tuyệt. Bản dịch như sau:

Thuở bác sinh ra chú chửa sinh

Từ sinh ra chú bác làm anh

Ngọt bùi cay đắng cùng san sẻ

Ai ngỡ đương tâm nghiến đứt tình.

Giữ đúng lời hứa, Tự Đức khen: “Hay! Rất hay, trẫm sẽ thưởng cho mỗi câu thơ một lạng vàng”. Nguyễn Hàm Ninh lạy vua hai lạy rồi bước về bàn tiệc của mình. Tự Đức phục lắm. Ông ta ngẫm nghĩ: Đúng là bậc kì tài. Cái lưỡi làm anh cái răng là đúng quá rồi. Lẽ ra chúng phải cùng chia ngọt sẻ bùi, lẽ nào vì miếng ăn mà cái ráng đương tâm nghiến đứt tình anh em. Nghiệm lại bản thân mình vì một chỗ ngồi, một miếng ăn mà anh em dứt tình máu mủ. Chính ông đã giết hết cả gia đình người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình là Hồng Bảo. Đau! Đau lắm. Tự Đức gọi giật giọng: “Hãy khoan! Bài thơ nhà ngươi rất hay nhưng có ác ý. Đáng lẽ phải ghép vào tội khi quân và xử trảm nhưng vì nhà ngươi là thầy dạy học của tiên đế nên trẫm chỉ phạt mỗi câu là một roi thôi”.

Sau vụ việc này quan hệ vua tôi ngày càng phai nhạt. Nguyễn Hàm Ninh chán cảnh ăn chơi phè phỡn của triều đình, không ngó ngàng gì đến việc nước, can gián vua không được, ông từ quan về quê. Cũng như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ông là một con người yêu nước thương dân. Ông đi hết trong Nam ngoài Bắc làm thơ và bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Khi Cao Bá Quát làm Quốc sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bắc Hà, có giao cho ông Trần Cung Trọng đem đến cho Nguyễn Hàm Ninh một lá thư dưới dạng một bài thơ mời tham gia nhưng vì không cỏ điều kiện nên ông phái hai người em ruột là Nguyễn Hàm Trực và Nguyễn Hàm Trạch gia nhập nghĩa quân. (Con cháu hai ông ngày nay vẫn chưa tìm được mộ phần).

Đất nước bị ngoại bang xâm lược, Bắc Hà lụt lội liên miên, dân tình mất mùa đói kém. Nhiều sĩ phu đứng lên lãnh đạo toàn dân đánh giặc cứu nước thì Tự Đức vì muốn giữ ngai vàng của mình đã nhượng Bắc kỳ cho giặc Pháp. Nguyễn Hàm Ninh rất đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, ông dùng ngọn bút làm vũ khí, chĩa thẳng mũi dùi vào triều đình mục nát:

Trong mưa tàu chuối khóc

Ngọn nến đoá mai cười

Đêm đố đặt lưng ngủ

Giường cao ôm bụng ngồi

Bắc kỳ dân ngập nước

Nhượng giặc Tây làm trời

Thơ thánh ăn ai tá

Vâng ngâu há miệng giòi.

Ông là một nhà thơ rất nổi tiếng về chữ Hán và chữ Nôm vào giữa thế kỉ XIX. Phải nói ông là một nhà dịch thuật tài hoa. Cho đến nay chưa có một nhà thơ nào dịch bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế hay hơn ông. Lâu nay nhiều người cho rằng bản dịch bài “Phong Kiều dạ bạc” in trong “Thơ Đường tập I ” Nhà xuất bản Văn hoá- Viện Văn học Việt Nam năm 1962 ghi “khuyết danh” là của Tản Đà. Sách “Trong 99 chóp núi” do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942, Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cho hay: Trong quá trình làm sách ông có mượn được một số di cảo thơ văn Đinh Nhật Thận trong tủ sách Nguyễn Hàm Ninh. Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bài dịch “Phong Kiều dạ bạc” của Nguyễn Hàm Ninh. Nguyên văn như sau:

Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Những năm cuối đời, nhà thơ sáng tác “Phản phúc ước ” bằng chữ Nôm để người dân trong làng dễ nhớ, dễ thuộc. Ồng tập trung ca ngợi những nét đẹp văn hoá làng quê, những thuần phong mỹ tục ngàn đời của ông cha. Ông phê phán những thói hư tật xấu của bọn nhà giàu bắt những người dân nghèo Khe Giang nằm sấp giữa sân để “troắt ngọn roi tra nợ”. Làng Trung Thuần có chiếc cầu gỗ bắc qua khe lâu ngày bị sập. Bà Trần Thị Húc cúng mấy trăm quan tiền để chữa lại nhưng bọn “quan tham ” cho vào túi chúng hết. “Phản phúc ước ” đã vạch mặt bọn chúng trước dân làng. Ngẫm lại những “ông quan tham nhũng” ngày nay “Phản phúc ước ” vẫn còn nguyên giá trị.

Hoà nhập trong cuộc sống của những người dân nghèo khổ, Nguyễn Hàm Ninh luôn luôn đứng bên cạnh dân làng mình khi họ cần đến. Có một giai thoại mà cả Quảng Bình ai cũng biết. Có một chàng trai Khe Giang (xã Quảng Lưu) yêu một cô gái Hói Kịa (xã Quảng Long). Khi nhà trai đến một chiếc cầu bắc qua Hói Kịa thì có một sợi dây chăng qua giữa đường treo câu đối: “Chân dậm tay mò bơn hói kịa ”. Điều kiện nhà trai đối được thì người làng cô gái mới cho đi qua cầu. Thương hạnh phúc đôi trẻ, Nguyễn Hàm Ninh đến lấy bút viết vào tờ giấy để sẵn trên bàn: “Má kề miệng ngậm bắng Khe Giang”. Hai câu đối ý, đối từ chan chát nhưng cao thủ Nguyễn Hàm Ninh có phần nghịch ngợm hơn. Thế là hai làng bắt tay nhau cùng vui mừng cầu chúc cho hạnh phúc trăm năm của đôi trẻ.

 Nguyễn Hàm Ninh làm thơ không nhiều. Ngoài các tập “Tỉnh trai thi tập ” và “Dược sư ngẫu  đề” bằng chữ Hán, một bài văn tứ lục “Phản phúc ước” bằng chữ Nôm, ông còn viết một vài bài thơ, ca trù bằng chữ Nôm.

Nguyễn Hàm Ninh mất ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mão (1867) thọ 59 tuổi. Mộ của ông nằm giữa rú Cấm, trên Động Cao của xóm 4, xã Quảng Lưu, bên hồ Vân Tiền thơ mộng. Mùa xuân đứng giữa đê Quảng Lưu nhìn về phía Tây Nam ngôi mộ ông lấp ló trong rừng dẻ màu xanh ngăn ngắt thật tuyệt vời. Ngày nay ở thị trấn Ba Đồn huyện Quảng Trạch có một ngôi trường mang tên ông “Trường THCS Nguyễn Hàm Ninh” và dựng bia tường niệm. Có những người yêu thích thơ ông đã đến đặt tác phẩm của mình trước bàn thờ mong ông phù hộ cho trong sự nghiệp văn chương, có những người mắc bệnh nan y đã đến khấn vái xin ông phù trì bảo hộ cho khỏi bệnh. Họ luôn luôn tin tưởng rằng ông rất linh nghiệm với đời bởi ông là một nhà thơ, một thầy thuốc giỏi.

Cùng với Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ… nhà thơ Quảng Bình -Nguyễn Hàm Ninh đã đóng góp những tuyệt tác cho nền văn học Việt Nam. Cuộc đời và thơ văn của ông vẫn còn sống mãi với thời gian.

– Hoàng Minh Đức

Tài liệu tham khảo:

– Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hàm Ninh do Uỷ ban nhân dân xã Quảng Lưu – Quảng Trạch –  Quảng Bình lưu giữ.

– Các nhà khoa bảng Việt Nam-NXB VănHọc-1993.       

– Quốc triều hương khoa lục – NXB TP Hồ Chỉ Minh -1993.

– Những ông nghè ông cống Triều Nguyễn – NXB Thông Tin -1995.

– Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn – NXB Thuận Hoá năm 1995.

– Nhân vật lịch sử Việt Nam – NXB Giáo dục Hà Nội -2005.

– Danh nhân văn hoá Quảng Bình tậpl – NXB Thuận Hoá. 

Loading…

Bình luận cho bài viết: