Đào Duy Từ, một danh tướng, một thiền sư thuần thành

7420

Đào Duy Từ, người dân Quảng Bình biết đến ông xưa nay về hệ thống Luỹ Thầy, một công tình quân sự nổi tiếng ở thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh. Hệ thống luỹ Đào Duy Từ (còn gọi luỹ Thầy) được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận di tích lịch sử năm 1992, nhưng có lẽ ít ai biết ông là một Phật tử thuần thành.

Đào Duy Từ, hiệu Lộc Khê, quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, nay thộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Thân sinh cụ là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm lệ trong triều Lê Trịnh. Thân mẫu là bà Vũ Thị Kim Chi. Vì phạm tội với triều đình, thân sinh của ông bị buộc làm dân thường và sau đó làm nghề ca hát. Khi Đào Duy Từ lên năm thì thân phụ mất, mẹ ông một mình tần tảo quyết chí nuôi con ăn học. Từ nhỏ, Đào Duy Từ nổi tiếng là con người sáng dạ, ham mê đèn sách, lại có chí lớn. Sách Trịnh – Nguyễn diễn chí do Trung Hầu (1659-1763) soạn viết: “Bản tính thông minh, sáng trí, thông hiểu sự tích cổ kim, các sách ngũ kim, chư sử (các sách sử), kinh thư không sách nào mà không đọc”.

Đào Duy Từ, một danh tướng, một thiền sư thuần thành
Lũy Nhật Lệ (còn có tên khác là lũy Thầy, lũy Đồng Hới. lũy Trường Dục) là một công trình phòng thủ quy mô, gắn với tài năng của nhà quân sự Đào Duy Từ. Ngày nay, các di tích của lũy nằm rải rác ở một số khu vực của TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Một đoạn lũy Nhật Lệ thuộc hệ thống Lũy Thầy còn tồn tại ở Đồng Hới.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên: “Đi thi Hương với triều Lê, quan trường thấy là con nhà hát xướng gạt tên, Đào Duy Từ phẫn uất bỏ về”. (ĐNLT.T 1 .trang 137).

Còn theo tác giả Phan Ngọc Tuấn viết về Đào Duy Từ đăng trong tạp chí Văn Hoá Phật giáo số 43 nătn 2007, lại ghi rõ: “Theo luật lệ của triều đình thời đó, con những người làm nghề ca xướng không được quyền thi cử, nên mẹ ông phải cải họ của ông thành họ Vũ để được ứng thí. Ông đã đỗ Á nguyên kỳ thi Hương năm 1593 triều Lê Thế Tông (1573-1599). Năm 21 tuổi, trong khi đang dự kỳ thi Hội, ông nghe mẹ mình tự vẫn vì bị ép duyên với ông xã trưởng họ Lưu, bản thân Đào Duy Từ cũng bị bắt giam và tra khảo. Đây là những tình tiết mà các sách trước chưa đề cập, sự thật thế nào cũng cần nghiên cứu thêm.

Trong thời gian chúa Nguyễn Hoàng đang du hành ra Bắc, chúc mừng chúa Trịnh diệt được họ Mạc và thăm viếng phần mộ Tổ tiên, ông đã nhận lời vào xứ Đàng Trong phò chúa Nguyễn vì ông biết Nguyễn Hoàng yêu dân, trọng sĩ, hào kiệt hướng về. Tuy nhiên phải đến năm 1625, Đào Duy Từ mới vào xứ Đàng Trong được. Khi ông vào chúa Nguyễn Hoàng đã mất nên ông phải ẩn thân, giả vào chăn trâu cho nhà Phú hộ Chúc Trịnh Long ờ thôn Tòng Châu, xã Bồ Đề (nay thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tinh Bình Định). Chúc Trịnh Long cũng là người ham mê văn học, ông này phát hiện ra tài học của Đào Duy Từ và tiến cử Đào Duy Từ cho quan khám lý Trần Đức Hoà (còn gọi Cống quận công) người cùng xã và người kết nghĩa với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Một hôm xem bài “Ngoạ Long cương” và sau khi tiếp kiến chúa cùng nói chuyện chúa cả mừng nói “ sao khanh tới chậm thế”, lập tức phong làm Vệ uý Nội tán, tước Lộc Khê Hầu quản việc quân cơ trong ngoài, tham dự triều chính, thường triệu vào cung bàn luận.

Đào Duy Từ hiến chúa Nguyễn những kế sách lớn: “Phàm mưu nghiệp vương bá, phải có kế vẹn toàn. Lời xưa nói: Không một phen nhọc mệt thì không được nghĩ ngơi lâu dài, không một lần tổn phí thì không được yên ổn mãi mãi. Thần xin phát quân hai xứ (Thuận Hoá và Quảng Nam) xây luỹ dài từ núi Trường Dục, tới bãi cát Hạc Hải, theo thế đất mà đặt chỗ hiểm để vững biên phòng, quân địch có tới cũng không làm gì được”. Luỹ Trường Dục được Chúa cho triển khai thuận lợi trong năm 1630 từ núi Thần Đinh về Trường Dục, Bình Thôn đến Quảng Xá kéo về bờ phá Hạc Hải.

Đến năm 1631, Đào Duy Từ đề xuất tuyến phòng thủ thứ hai để làm thế cố thủ vững chắc hơn. Đào Duy Từ tâu với chúa: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ tới núi Đầu Mâu ở Đồng Hới, ngoài có suối khe, bùn lầy sâu đọng, nếu lấy đó làm hào rãnh, trong xây luỹ dài, thì còn hiểm trở gấp mười luỹ Trường Dục” (Luỹ xây bờ Nam sông Lệ Kỳ xưa rộng bùn lầy).

Thuỵ quốc công Nguyễn Phúc Nguyên chỉ nghĩ mình thiếu quân ít tướng, bên trong không có hỗ trợ, bên ngoài không có viện binh, bèn chỉ im lặng không nghe theo. Lộc Khê Hầu mấy lần khuyên bàn chúa không nghe trong lòng không vui. Tuy thế Đào Duy Từ với khí chất bản lĩnh của mình, tìm cách để thuyết phục chúa và chúa đã đồng tình cho xây luỹ Đồng Hới (còn gọi Luỹ Thầy). Tôi đã có bài viết Tuyến phòng thủ Luỹ Thầy số 9 năm 2009 Tạp chí Văn hoá Quảng Bình nói rõ vì sao chúa Trịnh chỉ chọn đây làm nơi giao chiến để đánh chúa Nguyễn ờ Thuận Hoá mà không chọn nơi khác từ Nam sông Nhật Lệ vào các tỉnh phía trong? Vì sao các nhà chiến lược gia chúa Nguyễn lại chọn đây lập tuyến phòng thủ mà không có công trình phòng thủ nào khác phía trong; tính chất thiên hiển của các tuyến phòng thủ…). Tuyến phòng thủ này được các vua triều Nguyễn xác định là Định Bắc trường thành, là cánh che của Kinh sư, cổ họng Bắc Nam.

Chỉ với 8 năm phục vụ chúa Nguyễn với những mưu lược văn võ đủ để đánh giá ông là một nhân vật kiệt xuất, một thiên tài quân sự. Khi ông lâm bệnh nặng, Chúa đến thăm, khi chết Chúa thương tiếc không nguôi, tặng là Hiệp mưu đồng đức công thần Đặc tiến Trụ quốc Kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh Lộc Khê hầu, thuỵ là Trung lương. Năm Gia Long thứ 4 (1805) xét sự trạng công thần thời quốc sơ, xếp vào bậc trên, cho được trùng tự ở Thái miếu; năm thứ 9(1810) xếp vào hạng được thờ ở miếu Khai quốc công thần. Năm Minh Mạng thứ 12 (1833) truy tặng Khai quốc công thần Đặc tiến vĩnh lộc đại phu, Đông các Đại học sĩ, Thái sư Hoằng quốc công. Ông xứng đáng được triều Nguyễn xếp đứng đầu các công thần khai quốc.

Đào Duy Từ, ông không những là Nho khí khái, mưu lược tài ba, nhà chính trị, quân sự nổi tiếng mà bên trong là một Phật Tử thuần thành. Yên dân, nhân nghĩa, thanh liêm đó những điểm trong là 10 điều răn của tướng trong quyển sách “Hổ Trướng khu cơ” đã cho chúng ta thấy tính Phật trong con người ông khi cầm quân. Cũng theo Phan Ngọc Thuần: Là Phật tử mang trong mình dòng máu nghệ thuật, nên ông đã vận dụng kinh Phật để soạn ra các vũ khúc Tây Du, Đấu Chiến Thắng Phật, Song Quan (điệu múa có hai vị thần là Hộ Pháp và Tề Thiên Đại Thánh…) nhằm trừ yêu ma quỷ chướng và làm âm hồn thập loại chúng sinh siêu thoát.

Những bài kệ của Đào Duy Từ cho thấy đạo Phật của ông rất uyên thâm.

Chúng ta nghe ông viết các vị Thiền sư:

Rừng cây công đức diễm dà,

Trò chơi y bát, kết hoa Bồ đề

Vẳng nghe tiếng mõ đồ lê

Ngài phiền bến não, rửa thì sạch không

Bài kệ của Đào Duy Từ:

Há đạo đâu mà nhọc kiếm

Bồ đề kết quả ở lòng ta,

Thơ thôi vẫy gọi Thiền Tăng

Cảnh nầy thú ấy vui không hỡi thầy

Nghêu ngao tắm suối nằm mây

Thị phi mặc thế, tháng ngày thung dung.

Làu làu gương sáng giá trong

Vui miền son đỏ, lảnh dòng bạc đen,

Người đà nên đấng cao Thiền,

Phật đâu chưa hẳn, ất tiên đã gần.

Với những mô tả của ông, đạo hạnh đức độ thế, đạo Phật trong ông mang dấu ấn của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử rất đậm nét. Ông muốn đưa gió Phật để quét thanh bụi tà bẩn thỉu cùa lòng người. Ngọn kiếm của ông cũng phải trí tuệ. Nghiêm trang tướng pháp Như Lai Cao dơ tuệ kiếm, sáng ngời thuỷ tinh,

Thời lành củ mở Hội lành.

Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà,

Vây đoàn yên múa oanh ca.

Vượn xanh dâng trái, bác hà nghe kinh.

Phật đình nào khác vương đình,

Ngũ vân tán lớn, cảnh tỉnh thoại tường.

Chuyện xưa còn kể: Đào Duy Từ ra giữ chức thống suất đạo Lưu Đồn thường lên chơi ở núi Đầu Mâu (Núi linh thiêng xưa kia thường nơi Tiên ở) một hôm giặp một cụ già tóc bạc phơ hiệu là Hoàng Phủ dặn Duy Từ đến chùa ở núi Thần Đinh sẽ trao cho sách thần. Đúng hẹn, Duy Từ tìm đến chùa quả gặp Hoàng Phủ. Duy Từ hỏi thăm thì Hoàng Phủ nói: Nhân khi rảnh rỗi đến đây chơi rồi thì biến mất.

Hoàng phủ biết Đào Duy Từ là một Phật tử thuần thành nên mới đưa Đào Duy Từ lên chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh. Núi thần đinh hẵn đã hội đủ yếu tố thần linh nền các vị tiền liệt xưa kia đã đặt tên Thần Đinh. Với con người uyên thâm như Đào Duy Từ chắc chắn khi đến núi Thần Đinh biết rõ sách thần mà Hoàng Phủ cho là vậy (có lẽ núi thần là sách thần).

Đạo, đời của Đào Duy Từ và nhiều vị đại thần, nhiều danh tướng thời bấy giờ đều thấm trong huyết quản của mình dòng máu của đạo Phật, từ Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh đều là những vị Bồ Tát được nhân dân tôn sùng. Thời đại chúa Nguyễn, các vị chúa Nguyễn đều là những Phật tử: Từ Nguyễn Hoàng đến Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613- 1642) Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 -1641); Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687), Đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) cho đến Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725).

Bởi vì trong đau khổ cùng cực của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, con người bắt đầu quay trở về với đạo Phật. Chúa Nguyễn cũng như dân chúng Quảng Bình đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Họ tin tưởng Phật giáo đem lại an lành, hạnh phúc, đưa đến cuộc sổng bảo noản (no ấm) cho dân làng. Tuy các chúa Nguyễn không phải là nhà hành đạo Phật giáo như các vị vua Trần, nhưng các chúa Nguyễn là tín đồ Phật giáo; lấy sự ủng hộ Phật giáo để xây dựng công đức cho dòng họ trong cuộc chiến giữa hai họ. Mặc dù vậy, đó cũng là nguyên nhân cho Phật giáo vùng đất Quảng Bình có sự phục hưng, thời kỳ này nhiều chùa được các chúa Nguyễn đầu tư.

Hiện nay, Trường phổ thông Trung học Đào Duy Từ đã thỉnh tượng ông về trường mang tên ông và mời Hoà Thượng Thích Tánh Nhiếp – Trường ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình làm lễ an vị ông, làm lễ cầu an, cầu siêu ông trong khuôn viên của trường theo nghi thức Phật giáo. Một số người dân đã tôn trí tượng bán thân Đào Duy Từ ờ Luỹ Đào Duy Từ bờ sông Nhật Lệ để thờ cúng.

Chúng tôi được biết chính quyền địa phương đã có ý định cho xây chùa ở đồi Đài truyền hình cũ, trên luỹ Đào Duy Từ xưa để thờ Phật và các danh tướng có công lớn đối với đất nước thời bấy giờ, trong đó có ông trên vùng đất này theo nghi thức của Phật giáo. Chúng tôi thấy xây ngôi chùa trên đồi Đài Truyền hình cũ đã hội đủ duyên lành, cần triển khai sớm thành điểm du lịch tín ngưỡng phục vụ nhân dân trong và ngoài tinh.

Nguyễn Ngọc Trai

– Tạp chí TTKHCN Quảng Bình – 2010

Loading…

Bình luận cho bài viết: