Chắp cánh đam mê, gieo mầm tri thức

2

(QBĐT) – “Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà bản thân nó đã lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, “đánh thức” những ai vẫn còn chần chừ khi đọc sách, với mong muốn xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, văn minh, một đất nước phồn vinh mà ở đó người người, nhà nhà đều chọn sách là người bạn đồng hành”. Cô học trò tuổi 17 Hoàng Ngọc Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới) đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng những lời sâu sắc như thế.
 
Trong thời đại công nghệ số ngày nay, văn hóa đọc sách dường như đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Bình năm 2024 đã chứng minh rằng, tình yêu sách vẫn là một giá trị không thể thay thế, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
 
Khởi nguồn từ những trang sách
 
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong những hoạt động triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động từ năm 2019, cuộc thi đã nhanh chóng trở thành một diễn đàn cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc thể hiện niềm đam mê đọc sách. Mục tiêu chính của cuộc thi là lan tỏa tinh thần yêu thích đọc sách, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích các em học sinh phát triển văn hóa đọc, từ đó góp phần hình thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, thực hiện chỉ đạo từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công vòng sơ khảo cuộc thi. Sau hơn ba tháng phát động, cuộc thi đã thu hút sự tham gia tích cực của học sinh ở cả ba cấp học. Theo báo cáo từ Ban Tổ chức, tổng cộng có 4.066 bài dự thi được gửi về, với 243 bài viết và video được chọn lọc để tham gia vòng sơ khảo cấp tỉnh. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các em học sinh và nhà trường đối với văn hóa đọc. Ban Tổ chức đã trao 1 giải tập thể và 25 giải cá nhân, trong đó có các giải chuyên đề “Bài chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất”, “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”, “Kế hoạch, sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất”, “Bài viết dự thi ấn tượng nhất”, “Video dự thi ấn tượng nhất”.
Hoàng Ngọc Mỹ Linh (Trường THPT Đào Duy Từ) là học sinh duy nhất khối THPT giành giải nhất cuộc thi.
Hoàng Ngọc Mỹ Linh (Trường THPT Đào Duy Từ) là học sinh duy nhất khối THPT giành giải nhất cuộc thi.
Cuộc thi không chỉ là cơ hội để học sinh thể hiện tình yêu sách mà còn khẳng định vai trò của sách trong việc hình thành thế hệ công dân mới, giàu tri thức và lòng nhân ái. Những câu chuyện, những tác phẩm mà các em chia sẻ qua từng bài thi góp phần làm phong phú thêm tri thức cá nhân và lan tỏa giá trị văn hóa đến toàn thể cộng đồng.
 
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trưởng ban Tổ chức cho biết, điểm nổi bật của cuộc thi là sự công phu trong từng bài dự thi. Các thí sinh không chỉ viết về những cuốn sách yêu thích mà còn thể hiện sự sáng tạo qua việc xây dựng các kế hoạch và biện pháp khuyến khích đọc sách trong cộng đồng. “Từ việc chia sẻ cảm nhận cá nhân về tác phẩm đến những ý tưởng sáng tạo nhằm phát triển phong trào đọc sách, các bài thi đã chạm đến nhiều khía cạnh quan trọng của văn hóa đọc. Ban Tổ chức đặc biệt ấn tượng với những bài thi có liên hệ sâu sắc với thực tiễn tại địa phương, như các kế hoạch xây dựng tủ sách lưu động, tổ chức câu lạc bộ đọc sách ở trường và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đọc”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ.
 
Mỗi học sinh, một đại sứ
 
Với những nỗ lực không ngừng, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thực sự trở thành một diễn đàn quý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa đọc vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Khi những trang sách trở thành niềm đam mê thì mỗi cá nhân đều là đại sứ để lan tỏa văn hóa, từng ngày, từng giờ truyền cảm hứng, giúp cộng đồng tiếp cận và trân trọng sách-nguồn tri thức vô giá. Từ đó, họ giúp xây dựng và phát triển một xã hội yêu sách, coi trọng tri thức và không ngừng học hỏi từ những gì sách mang lại.
Lan tỏa phong trào đọc sách tại các trường học.
Lan tỏa phong trào đọc sách tại các trường học.
Em Hoàng Ngọc Mỹ Linh (Trường THPT Đào Duy Từ) vinh dự là học sinh duy nhất khối THPT giành giải nhất cuộc thi. Trước đó, tại cuộc thi năm 2021, chị gái của Linh là Hoàng Thị Phương cũng xuất sắc giành giải nhất. Đó là kết quả của suốt những năm tháng hai chị em Linh cùng nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, vun bồi tri thức từ chính những trang sách bình dị. Nhìn lại hành trình đã qua, Linh chân thành bảo: “Ba mẹ em vẫn luôn dạy chúng em rằng người có tri thức thì luôn tỏa sáng, từ trước đến nay học vấn chưa bao giờ mất đi giá trị. Đọc sách kể cả không nhớ được nội dung trong sách thì nó vẫn sẽ tồn tại trong cách chúng ta đối nhân xử thế, cách chúng ta nói chuyện, trong sự không giới hạn của tâm trí và sự rộng lớn của tinh thần. Với chúng em, sách chính là chiếc thang đi lên, là liều thuốc chữa lành”. Câu chuyện của chị em Linh đã “chạm” đến cảm xúc của nhiều người và truyền cảm hứng đến bạn bè đồng trang lứa. Cũng như Linh, mỗi học sinh tham gia cuộc thi đã trở thành một đại sứ thực thụ, lan tỏa tình yêu sách đến gần hơn với cộng đồng.
 
Từ trường học đến gia đình
 
Trường tiểu học Hải Đình (TP. Đồng Hới) cũng đã tích cực hưởng ứng cuộc thi bằng cách tổ chức vòng sơ khảo tại trường, chọn lọc những bài thi xuất sắc gửi dự thi cấp tỉnh. Với 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích, 1 giải chuyên đề, Trường tiểu học Hải Đình đã xuất sắc giành giải tập thể của cuộc thi. Để có được “quả ngọt” đó, nhiều năm qua, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động phong phú nhằm khuyến khích học sinh phát triển văn hóa đọc. Nhà trường thường xuyên tổ chức các mô hình đọc sách tại lớp, câu lạc bộ đọc sách và các buổi talk show về sách. Các hoạt động này không chỉ khuyến khích học sinh yêu thích đọc sách mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng viết lách và tư duy sáng tạo.
 
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Đình Lê Thị Thu Hiền cho biết: Nhà trường đã xây dựng các thư viện lớp học, khuyến khích học sinh mượn sách về nhà và thảo luận về những câu chuyện đã đọc. Các mô hình đọc sách kết hợp trải nghiệm và hành động như “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng” đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh. Học sinh được thể hiện năng khiếu hội họa, khả năng ghi chép, tổng hợp thông tin bằng chữ viết kết hợp hình ảnh để biểu đạt nội dung trong những trang sách mà các em vừa khám phá.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, mặc dù đạt được những kết quả đáng tự hào nhưng cuộc thi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ở một số trường, chất lượng bài thi chưa đồng đều, vẫn có tình trạng học sinh tham gia với tinh thần đối phó hoặc sao chép nội dung từ internet. Một số trường học chưa huy động được sự tham gia đông đảo của học sinh, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông. Đối với các bài thi dạng video, chất lượng hình ảnh và nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

“Đọc sách là không chỉ đọc đúng mà còn phải đọc thông minh, đọc sáng tạo. Các mô hình cũng được phát huy hiệu quả theo hình thức làm video clip và được giáo viên trình chiếu tại lớp học trong buổi sinh hoạt lớp hoặc đăng tải trên trang zalo của lớp, fanpage của trường… nhằm tạo cơ hội cho nhiều học sinh tham gia và thể hiện năng lực ngôn ngữ của mình. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh qua mô hình “Đọc sách và tương tác cùng con”. Bố mẹ dành thời gian đọc sách cùng con, quay video chia sẻ câu chuyện của các em và gửi lên fanpage của trường. Đây là một ví dụ điển hình về cách mà văn hóa đọc không chỉ được phát triển trong nhà trường mà còn lan tỏa vào từng gia đình”, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Đình chia sẻ thêm.

DIỆU HƯƠNG

 

 

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Chắp cánh đam mê, gieo mầm tri thức
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/chap-canh-dam-me-gieo-mam-tri-thuc-2221967/

Bình luận cho bài viết: