Về lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh

17

(QBĐT) – Nói đến huyện Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội đua thuyền truyền thống, bởi vì đây là hoạt động văn hóa truyền thống được cư dân huyện Quảng Ninh duy trì hàng trăm năm nay ở nhiều cấp độ khác nhau.

Lễ hội đua thuyền trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, dưới các chế độ xã hội khác nhau, chịu tác động của điều kiện khách quan, chiến tranh, thiên tai, nhưng vẫn được duy trì, kế tục, phát triển ngày càng ăn sâu, bám chặt trong đời sống vật chất và tinh thần, góp phần làm nên vẻ đẹp vùng đất Quảng Ninh.

Kế thừa truyền thống, hoạt động lễ hội đua thuyền ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội hiện được tổ chức vào dịp 2/9 hàng năm để chào mừng Quốc khánh, với ý nghĩa phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng; đồng thời tạo khí thế vui tươi, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh thu hút đông đảo nhân dân trong huyện và các địa phương khác đến xem, cổ vũ; trở thành nét đẹp văn hóa thể thao đáng trân trọng, gìn giữ và phát triển.

Lễ hội đua thuyền truyền thống-nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Quảng Ninh. Ảnh L.C
Lễ hội đua thuyền truyền thống-nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Quảng Ninh. Ảnh L.C

Nhằm góp phần lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp truyền thống của cha ông để lại, đồng thời khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của lễ hội trong suốt chiều sâu quá khứ cho đến hiện nay, cũng như mong muốn nâng cao và đa dạng hình thức tuyên truyền giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào quê hương, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã biên tập, chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản công trình sách “Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” do Nguyễn Xuân Hồng, Phạm Trung Đông (chủ biên) cùng các tác giả khác, gồm: Lê Anh Tuấn, Ngô Đình Hướng, Trần Đình Hằng, Nguyễn Thăng Long, sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành.

Sách được chia làm 5 chương, gồm: Tổng quan điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử và truyền thống văn hóa vùng đất Quảng Ninh; quá trình hình thành và phát triển lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh; quy trình đóng thuyền đua, thuyền truyền thống những đặc trưng về nghi lễ, kinh nghiệm và kỹ thuật; các hoạt động tổ chức và nội dung thi đấu lễ hội đua thuyền truyền thống; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh.

Đặc biệt trong công trình này, phần phụ lục I, II, III có 68 bản đồ, hình vẽ, ảnh về mặt cắt cấu trúc thuyền đua truyền thống và hoạt động thuyền đua truyền thống. Phụ lục IV là kịch bản lễ hội đua thuyền; phụ lục V là theo dõi thời gian vòng bảng/đua vòng chung kết của các đội đua; phụ lục VI là điều lệ đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh.

Huyện Quảng Ninh vốn có nhiều lễ hội được duy trì như lễ Thần nông để cầu mùa, hội xuống đồng, lễ tế xuân thu, lễ kỳ yên…và các lễ hội này đều gắn với hoạt động sản xuất, ngoài cầu mong sự phù hộ của thần linh còn là dịp vui chơi sau những vụ mùa vất vả. Riêng lễ hội đua thuyền truyền thống đã ăn sâu vào tâm khảm của những người dân nơi đây.

Vùng đất Quảng Ninh là nơi hội tụ đủ cả hệ thống suối nguồn, sông ngòi, đầm phá, biển cả…Thuyền đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân trong huyện; là phương tiện chuyên chở nông sản thu hoạch xong, hoặc chở gỗ, tranh về làm nhà như các vùng Lương Ninh, Gia Ninh, Lương Yến, Văn La, Trung Trinh. Thuyền ở huyện Quảng Ninh còn là phương tiện phục vụ đắc lực cho việc di dời dân, nhất là người già và trẻ em trong vùng lũ… Trong thời kỳ phong kiến và thời kỳ cách mạng, thuyền là phương tiện để tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí… để giành được thắng lợi trước kẻ thù.

Theo các tác giả của cuốn sách, “Quảng Ninh là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Bình có phong trào đua thuyền phát triển, gắn với lễ hội có lịch sử hình thành lâu dài, được sử liệu ghi nhanh khi phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của vùng đất”. Lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp 2/9 với sự tham gia của nhiều làng xã, như: Phú Cát, Phú Bình, Trần Xá, Phú Vinh, Phú Nhuận, Đắc Lập, Hòa Lò… Điều này đã làm phong phú và đa dạng các hình thức sinh hoạt lễ hội đua thuyền nói riêng và sinh hoạt cộng đồng ở huyện Quảng Ninh.  

Các tác giả đã dẫn dắt người đọc đi theo một lộ trình của lịch sử đua thuyền truyền thống qua các thời kỳ: Thời kỳ phong kiến; thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; thời kỳ 1945-1975 (thời kỳ này đã diễn ra một số lần tổ chức lễ hội đua thuyền tiêu biểu: Đua thuyền kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1946, đua thuyền chào mừng giải phóng tỉnh Quảng Bình tháng 8/1954, đua thuyền chào mừng ngày Quốc khánh sau lập lại hòa bình ở miền Bắc 2/9/1955); thời kỳ 1976-1990; thời kỳ 1990 đến nay.

Và trong công trình này đã giới thiệu rõ nét về một số làng xã của huyện Quảng Ninh có truyền thống đua thuyền, như: Ở xã Hải Ninh có hội đua thuyền truyền thống của làng Cừa Thôn; xã Duy Ninh có các làng Tả Phan, Hiển Vinh, Trung Quán; xã Lương Ninh có làng Phú Bình; xã Võ Ninh có làng Trúc Ly; xã Gia Ninh có làng Bắc Ngũ, Trường An, Đắc Thắng…

Sách còn dành hẳn một chương để nói về công đoạn đóng thuyền đua từ việc chọn gỗ, khai thác và vận chuyển gỗ về xưởng đến các kinh nghiệm trong kỹ thuật ghép ván thuyền đua, xảm, căng, néo, chống, giằng, nêm thuyền đua; kỹ thuật chỉnh sửa, làm tinh, đánh bóng, trang trí thuyền đua; kỹ thuật làm mõ, chằm bơi và chèo bơi cho đến lễ hạ thủy thuyền bơi đều được các tác giả khảo tả tỉ mỉ, công phu.

Để một lễ hội đua thuyền thành công thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác đó là tuyển chọn đội bơi, về vai trò kỹ năng và kinh nghiệm chèo lái. Trong sách cũng đã trình bày đầy đủ các nghi lễ trước và sau khi đua bơi gồm có nghi lễ hạ thủy luyện tập; nghi lễ trình mũ và buông phao; nghi lễ trả thuyền và tháo đầu gõ.  

Hiện nay, ở Quảng Bình, các địa phương, như: Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới… có phong trào đua thuyền (bơi trải, đua trải) rất phát triển với quy mô khác nhau của cấp làng, xã, huyện, thành phố. Nhiều địa phương ở Quảng Bình duy trì tổ chức lễ hội đua thuyền, như: Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy đã có từ lâu đời, diễn ra vào tháng 4 âm lịch, gắn với lễ cầu đảo. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lệ Thủy lấy ngày 2/9 hàng năm để tổ chức đua thuyền mừng “Tết Độc lập”. Lễ hội đua thuyền ở TP. Đồng Hới được tổ chức trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của các làng, xã, phường, như: Bảo Ninh, Quang Phú, Phú Hải, Hải Thành…

Riêng lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh đã được in thành một tập sách, đó là điều đáng ngưỡng mộ và trân trọng, là niềm tự hào của người dân trong huyện, là động lực để bảo tồn và phát triển lễ hội ngày càng bền vững. Qua đó, gửi gắm thông điệp về giá trị cố kết cộng đồng, giá trị giáo dục truyền thống, giá trị văn hóa tâm linh, giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

 

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Về lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202408/ve-le-hoi-dua-thuyen-truyen-thong-huyen-quang-ninh-2220631/

Bình luận cho bài viết: