(QBĐT) – Trong 35 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, nhiếp ảnh Quảng Bình đã góp phần tích cực vào việc tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng và quảng bá những tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đưa hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình đến với cả nước và bạn bè quốc tế.
Trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình, lực lượng sáng tác nhiếp ảnh hình thành khá muộn, bởi phương thức sáng tác của loại hình nghệ thuật này gắn liền với những điều kiện về thiết bị kỹ thuật, trong khi những năm tháng trước đây còn nhiều khó khăn.
Thời kỳ này, hành trang của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) là những chiếc máy cơ và vài cuộn phim, mỗi khoảnh khắc bấm máy thường được tính toán, căn chỉnh cẩn thận, mang tính chân thực cao. Những hội viên đầu tiên với niềm say mê sáng tạo và trách nhiệm với quê hương, như: Võ Xuân Bé, Ngô Độc Lập, Hữu Ngụ, Lê Đình Ty, Thành Huế, Văn Báu… đã đến những công trường, trèo đèo, lội suối lên vùng miền núi, xuống biển và tìm các thắng cảnh thiên nhiên còn hoang sơ để tác nghiệp.
Các tác phẩm không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn trở thành tư liệu quý. Năm 1996, liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Bình, tác phẩm “Anh hùng giữa đời thường” của cố NSNA Ngô Độc Lập đã đoạt huy chương vàng (HCV). Tác phẩm tạo nên sự xúc động cho công chúng khi thể hiện cận cảnh hình ảnh giản dị của nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Khíu. Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng khác ở cấp khu vực trước đó.
Trong giai đoạn 1995-2000, nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh do hội nghề nghiệp cấp khu vực, quốc gia và quốc tế tổ chức nhận được sự hưởng ứng tích cực của các NSNA và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng. Nổi bật, cố NSNA Hữu Ngụ thể hiện khát vọng tuổi trẻ hướng tới tương lai qua tác phẩm Hành trang vào đời (huy chương đồng (HCĐ) khu vực), tác phẩm Thợ cầu (HCĐ khu vực)…; Võ Xuân Bé có tác phẩm Khi phố ngủ (giải khuyến khích (KK) khu vực), Mẹ Nghèng và rừng cây (giải KK khu vực)…; Nguyễn Minh Mẫn với tác phẩm Gương mặt đồng quê (HCB khu vực); Lê Đình Ty có tác phẩm Thanh thản (HCB khu vực); Văn Báu với tác phẩm Lặng lẽ hoàng hôn (triển lãm toàn quốc)… NSNA Thành Huế có thế mạnh sáng tác về phong cảnh quê hương, như: Non nước Phong Nha (HCĐ khu vực), Dáng quê (giải KK khu vực)…
Đây là thời kỳ sáng tác khá sôi động, phản ánh tương đối đầy đủ đời sống văn hóa, xã hội sau ngày Quảng Bình tái lập và họ cũng chính là thế hệ những người đặt nền móng cho nhiếp ảnh Quảng Bình phát triển hôm nay.
Từ những năm 2000, phương tiện về nhiếp ảnh bắt đầu phát triển, tạo điều kiện cho NSNA tác nghiệp nhanh, lưu trữ thuận lợi khi tham gia dự thi giải ở các cấp. Các NSNA kỳ cựu tiếp tục gặt hái những thành công, như: Rừng trong hang động (giải nhì cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật rừng Việt Nam), Được nắng (giải ba-ảnh nghệ thuật 15 năm hợp tác và phát triển của Liên minh châu Âu với Việt Nam) của Ngô Độc Lập; Tầm cao công nghiệp (HCĐ khu vực) của Võ Xuân Bé, Trường Sơn hôm nay (HCĐ khu vực) của Thành Huế; Đốt rừng (HCĐ quốc tế) của Văn Báu…
Đặc biệt, thời gian này đã xuất hiện những gương mặt mới đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nhiếp ảnh Quảng Bình, như: NSNA Hoàng An với tác phẩm Tuyển sạn (HCĐ khu vực), Vòng xoáy thời gian (giải KK khu vực); NSNA Thành Vương với Hoa thép, Đường xuyên Việt (liên hoan khu vực); Bách Chiến với Hòa nhịp, Đồng Hới hôm nay (giải KK khu vực) và các tác phẩm của Ngọc Bội, Văn Thái, Tiến Hành, Trung Hoa, Ngọc Quý, Nguyễn Thị Lợi, Văn Thức… tham gia nhiều cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế.
Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ mạnh mẽ, như: Máy ảnh kỹ thuật số, flycam và các thiết bị hỗ trợ cùng nhiều thể loại ảnh phát triển (ảnh ý tưởng, ý niệm, ảnh bộ…) đã tạo nên những góc nhìn mới trong sáng tác nhiếp ảnh. Chính sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra thế giới phẳng, đặc biệt khi hình thức gửi ảnh online phổ biến đã giúp việc giao lưu, tham dự các cuộc thi trong nước và quốc tế dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, nhiếp ảnh Quảng Bình có diện mạo mới, tạo được vị thế trong khu vực với nhiều giải thưởng quốc tế, quốc gia. Những NSNA đạt đến “độ chín” trong sáng tạo sau một thời gian tìm tòi, thể nghiệm đã gặt hái nhiều thành công, như: Thành Vương với Trao truyền (HCB khu vực), Kình ngư (HCV khu vực), Gái Thượng Phong (giải nhất cuộc thi ảnh di sản tạp chí Heritage); Hoàng An có Hoa lúa (giải thưởng quốc tế), Tung cánh (giải thưởng quốc gia), bộ ảnh “Ngư dân Kỳ Nam điêu đứng với thảm họa môi trường Formosa” (giải C ảnh xuất sắc Hội NSNA Việt Nam); Phạm Văn Thức với Vượt đèo ngang (HCĐ khu vực); Nguyễn Bách Chiến với tác phẩm Cung sắc quê hương (HCĐ khu vực và giải C Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).
Đặc biệt, NSNA Lê Đức Thành tham gia sáng tác khá muộn (so với tuổi đời), nhưng sớm gặt hái thành công. Anh có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, như: Biển sớm (HCB khu vực), Âm thanh giữa đại ngàn (triển lãm nhiếp ảnh toàn quốc), Xe ơi (giải KK cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế tại Việt Nam), Điện gió Quảng Bình (HCV khu vực và giải C Hội NSNA Việt Nam)…
Cùng đó, các tác giả trẻ cũng có nhiều tác phẩm góp vào không gian của nhiếp ảnh Quảng Bình trong các triển lãm, liên hoan, như: Nguyễn Hải với các tác phẩm Khám phá hang Tiên 2 (giải nhất cuộc thi ảnh di sản của Heritage, HCĐ khu vực), Hoa miền cát (giải nhì cuộc thi ảnh biển, đảo quê hương do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức); Bùi Cường với Phút giải lao (HCB khu vực), Theo mẹ (giải ba cuộc thi Nhịp đời qua ống kính do Báo Tuổi Trẻ tổ chức), Nghề truyền thống (Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc); Mai Việt Quyền với tác phẩm Khổ luyện (HCĐ khu vực); Nguyễn Lương Sáng với tác phẩm Mùa vàng (triển lãm toàn quốc), Nỗi buồn của biển (triển lãm quốc tế Việt Nam)… Các tác giả trẻ là những người làm chủ kỹ thuật và ứng dụng các khuynh hướng sáng tạo mới tạo nên những hiệu quả tích cực.
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật luôn có sự đổi mới để bắt kịp với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và xu hướng mới. Điều đó đòi hỏi những người dấn thân vào nghiệp cầm máy phải không ngừng tìm hiểu, bổ trợ kiến thức, thử nghiệm góc nhìn khác lạ, tạo nên sự tươi mới trong sáng tác. Nhìn lại lực lượng sáng tác nhiếp ảnh Quảng Bình trong 35 năm qua, có nhiều thế hệ sáng tác, có người đã ra đi, có người không còn cầm máy nhưng họ tiếp tục truyền cảm hứng để cho thế hệ hôm nay nối tiếp mạch nguồn sáng tạo.
NSNA Lê Đức Thành, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT Quảng Bình) chia sẻ: “Nhiếp ảnh thực sự đã trở thành một kênh truyền thông tích cực và hiệu quả cho việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh về đời sống, xã hội, thiên nhiên của quê hương đến với bạn bè gần xa. Mong rằng, sẽ có những gương mặt mới, trẻ, đam mê xuất hiện tạo nên sự sinh động trong phong trào sáng tác, tiếp tục xây dựng nhiếp ảnh Quảng Bình những chặng đường mới”.
Nguyên Sa
Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình – Nhiếp ảnh Quảng Bình 35 năm nối tiếp mạch nguồn sáng tạo
Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202406/nhiep-anh-quang-binh-35-nam-noi-tiep-mach-nguon-sang-tao-2218668/
Bình luận cho bài viết: