Hội thảo “phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng”: Từ ý tưởng đến hành động
38
(QBĐT) – Muốn phát triển du lịch (DL) nông thôn, DL cộng đồng cần những yếu tố nào? Vai trò của doanh nghiệp (DN), người dân và chính quyền ở đâu trong quá trình phát triển loại hình DL này? Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng tỉnh Quảng Bình” vừa được tổ chức trong chuỗi các hoạt động Tuần DL Quảng Bình 2024.
Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện DN kinh doanh DL trong và ngoài tỉnh… đã cùng ngồi lại để trao đổi, thảo luận những vấn đề xoay quanh việc phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng tại Quảng Bình. Từ đó, cùng chung tay tìm hướng đi phù hợp, biến những ý tưởng thành hiện thực, đem lại lợi ích toàn diện cho cộng đồng và du khách.
Đủ đầy tiềm năng
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định Quảng Bình hội đủ mọi điều kiện để phát triển loại hình DL nông thôn, DL cộng đồng khi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan kỳ vĩ. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống hình thành và phát triển từ xa xưa, chính các tài nguyên DL này đều cơ bản gắn liền với vùng nông thôn tươi đẹp của tỉnh Quảng Bình.
Trong phát biểu đề dẫn của hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở DL khẳng định, một trong những lợi thế để phát triển DL nông thôn, không thể không nhắc đến các sản phẩm OCOP. Với 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn, việc gắn sản phẩm OCOP với phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng góp phần tạo cho hoạt động DL có thêm nhiều trải nghiệm đậm đà sắc thái văn hóa địa phương. Thông qua các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển, loại hình DL cộng đồng, DL nông thôn luôn được tỉnh xác định và ưu tiên phát triển.
“Tỉnh Quảng Bình cũng đã có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển DL nông thôn với mục tiêu đến năm 2025 là mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển DL nông nghiệp, nông thôn xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm “dịch vụ DL cộng đồng và điểm DL”, đồng thời xây dựng 2-3 mô hình thí điểm về phát triển DL nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng DL xanh, có trách nhiệm và bền vững”, ông Quý cho biết.
Trên cơ sở nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương ở Quảng Bình đã phát triển mạnh mẽ DL nông thôn, DL cộng đồng. Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hà Tĩnh khẳng định, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng là định hướng đúng đắn của tỉnh, bởi Quảng Bình là địa phương có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, làng nghề đa dạng, nhiều đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.
Thời gian qua, Quảng Bình đã khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ DL với nhiều sản phẩm phong phú. Trong hơn 40 sản phẩm DL mà Quảng Bình đang khai thác, có nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được du khách yêu thích. Việc phát triển các loại hình DL nông thôn, DL cộng đồng đã tạo ra nhiều nền tảng cơ bản, vững chắc và thực sự đã mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Tự phát và rời rạc
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của DL nông thôn, DL cộng đồng của Quảng Bình. Đó là việc phát triển DL nông thôn về cơ bản còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể.
TS. Trần Tự Lực, Trường đại học Quảng Bình khẳng định, phần lớn các mô hình kinh doanh DL nông thôn là do các hộ kinh doanh tự đầu tư theo mô hình nhỏ, tự phát nên chưa phát huy được vai trò và hiệu quả. Trong khi sản phẩm DL thì sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Nhiều hoạt động DL tại địa phương chưa gắn kết với người dân nên các tài nguyên thiên nhiên được ngành DL khai thác chưa hiệu quả và bền vững.
Thực tế, trên địa bàn huyện Bố Trạch có gần 100 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động kinh doanh lưu trú. Có những thời điểm, ở địa phương xảy ra tình trạng đầu tư ồ ạt các mô hình kinh doanh homestay, khách sạn… Trong khi đó, DL mang tính thời vụ khiến cho mùa thấp điểm, số lượng khách giảm mạnh đã gây lãng phí cơ sở vật chất.
“Chưa kể, tại nhiều địa phương, việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày còn khá đơn giản, thiếu tính chất chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Nông dân là người đưa di sản sinh thái và văn hóa của mình tham gia hoạt động DL nông thôn nhưng trong thực tế lại thu được rất ít lợi nhuận từ hoạt động này”, ông Lực khẳng định.
Giám đốc Sở DL Nguyễn Ngọc Quý cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình DL còn hạn chế. Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến DL, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng cũng còn nhiều điều bất cập. Vấn đề liên kết, hợp tác về phát triển DL nông thôn để tạo ra các chương trình DL, chuỗi cung ứng dịch vụ chưa được đẩy mạnh…
Chờ đợi những đổi thay tích cực
Với những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và chuyên sâu, hội thảo được đánh giá là cơ hội quý cho ngành DL Quảng Bình bởi đây vừa là điểm khởi đầu nhưng cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho DL nông thôn, DL cộng đồng. Tại hội thảo, những kinh nghiệm thực tế của các mô hình DL cộng đồng thành công cũng đã được chia sẻ với mong muốn được lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn.
Làng DL Tân Hóa (Minh Hóa) được xem là một trong những mô hình DL nông thôn, DL cộng đồng thành công tại Quảng Bình khi trở thành Làng DL tốt nhất thế giới năm 2023. Bài học từ Tân Hóa cho thấy, DN đóng vai trò là đối tác, tạo ra sản phẩm dịch vụ, xây dựng quy trình vận hành, quảng bá tiếp thị, đồng hành xuyên suốt cùng người dân và chính quyền địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm khẳng định, một thành tố không thể thiếu để phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng là các DN và cộng đồng địa phương. Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng là “chìa khóa” để xây dựng một ngành DL bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) Nguyễn Châu Á cho biết, với chiến lược phát triển bền vững, từ việc đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động DL, Oxalis đã từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách DL. DN và người dân trở thành đối tác để cùng nhau khai thác và hưởng lợi. Điều quan trọng khi khai thác DL cộng đồng tại Tân Hóa là mặc dù thu hút được gần 10.000 lượt khách mỗi năm nhưng làng quê này vẫn giữ được nét thanh bình, mộc mạc vốn có.
Các đại biểu tham gia hội thảo khẳng định, việc phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng cũng chính là đa dạng hóa sản phẩm DL của tỉnh và góp phần khắc phục tính thời vụ trong phát triển DL của tỉnh. Muốn vậy, ngành DL cần phát triển các sản phẩm DL chất lượng cao, như: Tour DL nông nghiệp, homestay tại các vùng quê, các trải nghiệm gắn kết với đời sống và văn hóa địa phương. Các DN, địa phương cần tăng cường quảng bá và tiếp thị để kích thích nhu cầu của khách DL; tăng cường sự kết nối, vai trò của các bên liên quan trong phát triển DL nông thôn, DL cộng đồng và tập trung đào tạo nguồn nhân lực để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Điều cốt lõi của mọi quá trình phát triển DL là cần bảo vệ môi trường DL, góp phần vào việc bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa.
Diệu Hương
Nguồn bài viết:Báo Quảng Bình – Hội thảo “phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng”: Từ ý tưởng đến hành động Link nguồn bài viết: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202407/hoi-thao-phat-trien-du-lich-nong-thon-du-lich-cong-dong-tu-y-tuong-den-hanh-dong-2219889/